Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 05 tháng nộp Thuế GTGT và tiền thuê đất cho Doanh nghiệp

DN bị ảnh hưởng trực tiếp được gia hạn

Ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế GTGT đối với các DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các

  • Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản;
  • Sản xuất, chế biến thực phẩm;
  • Dệt; trang phục; giày, dép; sản phẩm từ cao su;
  • Điện tử, máy vi tính;
  • Sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống);
  • Vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không,
  • Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải;
  • Dịch vụ lưu trú, ăn uống;
  • Các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức du lịch.

Đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho gia hạn thuế GTGT mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh. Hiện nay 93% DN đang kê khai và nộp thuế có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, sẽ có hơn 93% DN của cả nước được chậm nộp thuế GTGT.

Với nhóm DN đa ngành nghề, chỉ cần kinh doanh 1 trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất dệt may… cũng sẽ được gia hạn thuế GTGT.

“Như vậy, thuế GTGT của tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều được gia hạn. Bởi theo quy định, DN kê khai thuế GTGT theo một tờ khai nên được chậm nộp 100% tiền thuế GTGT phát sinh phải nộp” – ông Thi cho hay.

Mặt khác, để không ảnh hưởng đến cân đối NSNN, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng cho số thuế GTGT phải nộp của các tháng từ 3 – 6 trong năm 2020.

Đối với các DN, tổ chức đang thực hiện kê khai nộp thuế theo tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế. Cụ thể, thời hạn nộp thuế GTGT tháng 3 chậm nhất là ngày 20/9 thay vì 20/4; tháng 4 được gia hạn nộp đến ngày 20/10; tháng 5 có hạn chót phải nộp là 20/11; tháng 6 là ngày 20/12.

Đối với những đơn vị đang kê khai và nộp thuế GTGT theo quý, thì được được gia hạn tiền thuế của quý 1 và quý 2 năm nay. Cụ thể, thời hạn nộp thuế GTGT quý 1 chậm nhất là ngày 30/9, còn quý 2 là ngày 30/12.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất gia hạn 5 tháng nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của quý I và quý II năm 2020 cho các DN, tổ chức đang thực hiện kê khai phải nộp theo quý.

Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế GTGT phải nộp và hồ sơ khai bổ sung gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn nộp thuế được gia hạn, thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Một điểm đáng lưu ý của dự thảo đó là, các DN, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thuế GTGT chỉ cần kê khai, nộp tờ khai thuế GTGT tháng, quý như quy định hiện hành. Còn tiền thuế GTGT thì chưa phải nộp ngay, mà sau 5 tháng nữa mới phải nộp.

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, việc gia hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 – 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 -7) thì số thu NSNN của các tháng đó giảm khoảng 22.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do DN phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020. Đối với nhóm đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, thời hạn nộp thuế GTGT, TNCN được gia hạn trước ngày 15/12/2020 và số thuế phát sinh phải nộp năm 2019 của nhóm được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 cũng sẽ không giảm do phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020.

Đối với tiền thuê đất, để thống nhất với thời gian gia hạn về thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép gia hạn 5 tháng kể từ ngày phải nộp của kỳ I. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng.

Ông Thi cũng cho biết thêm, dự thảo nghị định chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh, không gia hạn số nợ thuế. Bởi, nếu gia hạn cả tiền nợ thì đánh đồng DN chấp hành tốt với DN không chấp hành. Do đó, trong dự thảo có nêu rõ là gia hạn tiền thuế phát sinh phải nộp của các tháng có liệt kê.

Chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn theo mẫu

Trả lời câu hỏi về căn cứ đưa ra thời hạn gia hạn, ông Thi khẳng định, dự thảo dựa trên báo cáo đánh giá của các bộ, ngành, ý kiến của các hiệp hội DN và trên cơ sở rà soát, phân tích các loại hình kinh doanh, cũng như ý kiến các chuyên gia. Mặt khác, theo quy định tại Điều 49 Luật Quản lý Thuế, việc gia hạn nộp thuế trong trường hợp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ và thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế”. Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế, theo Khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế “Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định”. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN ứng phó với tác động của dịch Covid-19.

Việc chỉ đề xuất gia hạn nộp thuế GTGT mà không có thuế TNDN, ông Thi thông tin, thuế TNDN đã tạm kê khai theo quý và tiền đã nộp vào năm 2019. “Trên thực tế đã kê khai, đã nộp vào NSNN và đã thực hiện cân đối năm 2019 theo Luật NSNN được Quốc hội thông qua” – ông Thi nói. Đối với đề xuất chỉ gia hạn mà không miễn thuế cho những DN không thể duy trì sản xuất kinh doanh, thậm chí phá sản, ông Thi cho rằng, đến nay Bộ Tài chính vẫn luôn bám sát diễn biến tình hình dịch để kịp thời đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, các DN phá sản bản chất họ không sản xuất kinh doanh, không phát sinh thuế nên dù muốn cũng không miễn thuế được vì “làm sao có thuế mà miễn”.

Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của báo chí đó là trình tự, thủ tục gia hạn thuế. Theo ông Thi, các đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi giấy đề nghị đối với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo mẫu cho cơ quan thuế quản lý chậm nhất là ngày 31/5/2020 (theo phương thức điện tử hoặc khác do người nộp thuế lựa chọn). “Như vậy, hàng tháng, đối tượng nộp thuế vẫn phải kê khai, nhưng gửi giấy đề nghị gia hạn, thì cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm rà soát và gia hạn” – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế khẳng định. Cũng theo ông Thi, các quy định tại dự thảo nghị định đã rất rõ ràng và để chính sách được thực hiện ngay khi ban hành, Bộ Tài chính sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn. Để hỗ trợ kịp thời cho DN, ngay trong tháng 3 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định và đề xuất có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nhắn tin qua Facebook Zalo:0968136785

094.766.14.21

096.813.67.85